Tóm tắt Tọa đàm “Góc nhìn chính sách: Hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam”

Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế, tâm lý và chính sách, Tọa đàm trao đổi nhiều thông tin và góc nhìn về hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) tại Việt Nam.

Sự kiện diễn ra vào sáng ngày 3/8/2024 đã thu hút hơn 55 người tham dự trực tiếp và gần 80 người tham dự qua nền tảng zoom. Các khách mời đặc biệt đã cùng trao đổi, thảo luận và tương tác cùng người tham dự với góc nhìn đa chiều về cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong việc thúc đẩy các hỗ trợ SKTT trong ngắn hạn và dài hạn. 

GS.TS. Đặng Hoàng Minh đã mở đầu chương trình với những chia sẻ thú vị về thuật ngữ mental health – sức khỏe tâm thần, và tầm quan trọng của việc hiểu đúng về bản chất “là một thể liên tục” của tình trạng sức khỏe tâm thần, để có thể tiếp cận các vấn đề chính sách hiệu quả và bao trùm.

TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN Ở VIỆT NAM

Trình bày: Phan Tường Yên

Tiếp nối, chuyên viên tâm lý Phan Tường Yên – thành viên VCHPR – đã thông tin về thực trạng gia tăng của các rối loạn tâm thần tại Việt Nam, vấn đề chi phí cho sức khỏe tâm thần và gánh nặng của rối loạn tâm thần lên nền kinh tế.

Hình 1. Bà Phan Tường Yên trình bày tại buổi toạ đàm.

Tham luận tổng hợp các vấn đề về Luật pháp, Chính sách, và Hệ thống chăm sóc SKTT, bao gồm chi trả bảo hiểm cho bệnh tâm thần, mô hình chăm sóc tâm lý cho nhân viên doanh nghiệp, và so sánh giữa cách tiếp cận Đông – Tây đối với hệ thống SKTT trên thế giới. 

Bài trình bày cũng đề cập nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tích hợp y tế tương cận vào hệ thống và nhấn mạnh rằng hệ thống này gồm các dịch vụ được cung cấp bởi nhiều lực lượng, từ y tế, xã hội, giáo dục, đến cá nhân, gia đình và cộng đồng, trải rộng từ cấp xã đến trung ương.

HỆ THỐNG CƠ SỞ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN

Nguồn: Lê Minh Sang, Eric Hahn và cộng sự (2024). Nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khoẻ tâm thần: hướng tới bao phủ y tế toàn dân ở Việt Nam. Washington DC: World Bank

NGUỒN NHÂN LỰC CHO BAO PHỦ CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TOÀN DÂN Ở VIỆT NAM: MỘT SỐ THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ

Trình bày: ThS. Lê Minh Sang, TS.BS. Lại Đức Trường, TS. Trương Nguyễn Xuân Quỳnh

Trong phần chia sẻ này. ThS. Lê Minh Sang đã chia sẻ một góc nhìn khách quan về dữ liệu liên quan đến độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc SKTT tại Việt Nam, so sánh với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMIC). Tham luận thẳng thắn nhìn nhận thành tựu và hạn chế của hệ thống tâm lý trị liệu và dịch vụ xã hội, đồng thời đưa ra khuyến nghị về cải thiện dịch vụ, phát triển và quản lý nguồn nhân lực, cùng các đề xuất riêng cho Hội tâm lý lâm sàng.

TS.BS. Lại Đức Trường bổ sung về các thách thức thực tế mà nhân lực chuyên môn đang đối mặt, trong đó có những rào cản cho chuyên viên tâm lý và nhân viên xã hội, nhất là trong hệ thống y tế. TS. Trương Nguyễn Xuân Quỳnh cũng chia sẻ về những nỗ lực thí điểm mô hình nhóm đa ngành (MDT-Multidisciplinary team) tại các bệnh viện và các hạn chế trong đào tạo chuyên viên công tác xã hội lâm sàng.

THỐNG KÊ LIÊN QUAN TỚI CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN KHỐI Y TẾ

Giường bệnh tâm thần
Viet Nam: 11.4 trên 1 vạn dân
Thế giới: 14.5 trên 1 vạn dân

Bác sĩ tâm thần
Việt Nam: 0.62 trên 1 vạn dân
Thế giới: 1.7 trên 1 vạn dân

Điều dưỡng tâm thần
Việt Nam: 3 trên 1 vạn dân
Thế giới: 3.8 trên 1 vạn dân

Chuyên gia tâm lý
Việt Nam: 0.15 trên 1 vạn dân (chỉ tính bệnh viên công lập)
Đông Nam Á: 0.3 trên 1 vạn dân

GÁNH NẶNG BỆNH TẬT GIA TĂNG DO RỐI LOẠN TÂM THẦN

~15%

dân số Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp và rối loạn tâm thần có xu hướng ngày càng gia tăng

5,87

Tỷ lệ tự sát trên 100.000 dân (2015)

8-20%

Trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề về SKTT chung
(BV Nhi Đồng TPHCM)

Nguồn: Đề án tăng cường năng lực Hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần giai đoạn 2023-2030
Minh hoạ: VCHPR

THẢO LUẬN 

(xin lưu ý rằng bên dưới đây chúng tôi tổng hợp các trao đổi tiêu biểu của khách mời chuyên gia, bao gồm  thông tin và các quan điểm, kinh nghiệm đúc kết của chuyên gia trong quá trình làm việc thực tế)

Phần thảo luận sôi nổi diễn ra xuyên suốt tọa đàm mở ra đa dạng các vấn đề. Trong đó một số vấn đề được thảo luận nổi bật có thể kể đến như:

Vai trò và thực trạng của lực lượng CTXH trong chăm sóc SKTT như thế nào?
  • Trên thế giới, chuyên viên CTXH lâm sàng chủ yếu hoạt động tại bệnh viện và các trung tâm bảo trợ, hỗ trợ người gặp rối loạn SKTT do bệnh lý (VD ung thư, phổi mạn tính..)
  • Ở Việt Nam, công tác xã hội trong bệnh viện có những hoạt động tương tự nhưng không chính thức, và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nhân viên CTXH được đào tạo chính quy. 
  • Mặc dù khái niệm CTXH lâm sàng đã được quan tâm tại Việt Nam trong gần 15 năm qua, hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo đại học hay thạc sĩ về lĩnh vực này. 
  • Trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo chuyên viên tâm lý thực hành CTXH là giải pháp tiết kiệm nhất để tăng độ bao phủ của hệ thống hỗ trợ SKTT tại Việt Nam.
Hình 2. Các diễn giả tham dự buổi toạ đàm.
Hướng phát triển của lực lượng CTXH lâm sàng có thể như thế nào?
  • Cần bắt đầu từ việc xây dựng khung năng lực cho đào tạo CTXH lâm sàng (hiện chỉ có CTXH đại cương). Trên thế giới, chuyên viên CTXH lâm sàng phải hoàn thành đủ số giờ thực hành mới được công nhận.
  • Mô hình nhóm đa ngành (The Multidisciplinary Team- MDT) đã chứng minh hiệu quả và cần được áp dụng rộng rãi.
  • Xây dựng hệ thống chuyển gửi và kết nối người bệnh với các dịch vụ liên quan, đồng thời tạo ra một cơ sở dữ liệu về các chuyên gia đủ tiêu chuẩn, sẽ giúp khắc phục nhiều điểm nghẽn hiện tại.
Nhiều chuyên gia, đơn vị tư vấn đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y Tế để phát triển và nâng cao nguồn lực chăm sóc SKTT. Xin thông tin thêm về một số nỗ lực hiện có?
  • Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định chi tiết về chức danh và cơ sở tâm lý lâm sàng.
  • Vụ Giáo dục thể chất đang triển khai chiến lược chăm sóc sức khỏe, bao gồm giáo dục thể chất và tâm thần, với sự hỗ trợ từ UNICEF.
  • Mới đây, Worldbank phối với các chuyên gia xuất bản sách Nguồn Nhân Lực Cung Ứng Dịch Vụ Sức Khỏe Tâm Thần Tại Việt Nam với nhiều thông tin giá trị.
  • WHO đề xuất lồng ghép chăm sóc SKTT vào chăm sóc sức khỏe chung, đặc biệt là chăm sóc ban đầu, bằng cách đào tạo bổ sung cho các bác sĩ đa khoa làm việc với bệnh nhân có nguy cơ cao như ung thư, phụ nữ trước và sau sinh, và thanh thiếu niên.
  • Hướng tiếp cận của WHO là thúc đẩy Thông tư 32 và Nghị định 96 thông qua đào tạo lực lượng y tế để chẩn đoán các dấu hiệu tâm lý ban đầu, kê đơn cho các trường hợp nhẹ và chuyển tuyến khi cần thiết.
  • Chăm sóc cơ bản về SKTT sẽ do người có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và đã được đào tạo về kỹ thuật tâm lý lâm sàng thực hiện. Nhà tâm lý lâm sàng sẽ được đào tạo từ cử nhân tâm lý hoặc bác sĩ đã có 9 tháng đào tạo và thực hành về tâm lý lâm sàng, còn nhà tâm lý lâm sàng chuyên sâu cần có bằng thạc sĩ trở lên.
Hình 3. Người tham dự trực tiếp tại buổi toạ đàm
Hiện tại, thách thức cho các nỗ lực bên trên là gì và định hướng giải quyết như thế nào?
  • Dù được tập huấn, bác sĩ đa khoa và chuyên khoa khác vẫn chưa tự tin thực hiện các can thiệp tâm lý. 
  • Tại các bệnh viện, chưa có chức danh tư vấn tâm lý lâm sàng, dẫn đến việc các nhà tâm lý phải dùng chức danh kỹ thuật viên và chủ yếu thực hiện test thay vì tham vấn hay trị liệu, do tư vấn tâm lý chưa được công nhận trong danh mục dịch vụ và chưa định giá.
  • Về đào tạo, có lo ngại rằng 9 tháng học và 9 tháng thực hành không đủ để đảm bảo chất lượng để có thể thực hành lâm sàng. 
  • Về chính sách, việc đào tạo ngắn hạn cho bác sĩ để giải quyết thiếu hụt nhân sự có thể gây ra vấn đề dài hạn, khi cộng đồng có xu hướng tin cậy bác sĩ hơn và những người được đào tạo chuyên sâu về tâm lý lâm sàng có thể không được đánh giá cao.
Quy định cho cơ sở cung cấp dịch vụ tâm lý lâm sàng gồm những yêu cầu gì?

Nghị định số 96/2023/NĐ-CP có quy định cơ sở tâm lý lâm sàng phải đáp ứng các điều kiện chung về cấp giấy phép hoạt động chung đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 40 Nghị định, đồng thời người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở tâm lý lâm sàng phải là người hành nghề thuộc một trong các chức danh (1) Tâm lý lâm sàng, hoặc (2) Bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa tâm thần và đã hoàn thành chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản về tâm lý lâm sàng theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Nghị định.

Thách thức và cơ hội nào để chăm sóc SKTT được đưa vào Bảo hiểm y tế (BHYT)?
  • Hiện nay, BHYT không chi trả cho các hoạt động khám bệnh kê đơn hay khám tâm lý. 
  • Về mặt kỹ thuật, để dịch vụ tâm lý lâm sàng được bảo hiểm chi trả, cần tính giá dịch vụ, mà hiện tại các BV công chưa triển khai khám chữa về tâm lý lâm sàng do Bộ Y tế dù có danh mục nhưng chưa xác định được giá cụ thể (ví dụ: tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân).
  • Về mặt quy định, cần (1) hướng dẫn chuyên môn lâm sàng và tài liệu đào tạo, (2) xác định giá dịch vụ để BHYT có thể chi trả.
  • Để được BHYT bao phủ, tâm lý trị liệu cần chứng minh tính hiệu quả, đảm bảo người cung cấp dịch vụ có bằng cấp phù hợp, có đề án công tác cho những người TLLS có chức năng điều trị tâm lý và rối loạn tâm thần, và tạo cơ chế để bệnh viện có thể chi trả cho chuyên viên tâm lý lâm sàng ngoại viện.
  • Một số ít BHYT tư nhân dành cho doanh nghiệp hiện tại có chi trả cho can thiệp tâm lý, tùy vào yêu cầu và gói bảo hiểm của Doanh nghiệp đó.
Hình 4. Ảnh chụp lưu niệm sau khi kết thúc buổi toạ đàm.

Word cloud tổng hợp từ hơn 60 phản hồi từ người tham dự chương trình

Buổi workshop đã kết thúc với nhiều thông tin thú vị và mở ra nhiều suy ngẫm cho người tham dự. Với các chính sách và quy định vẫn còn đang được hoàn thiện, chúng tôi mời gọi sự quan tâm và đồng hành của quý vị để kịp thời góp ý và trao đổi ở giai đoạn tham vấn chính sách từ cộng đồng.

VCHPR tin rằng chương trình lần này là một khởi đầu, chúng tôi dự kiến sẽ sớm tiếp tục với những buổi thảo luận sâu hơn trong chủ đề này như chính sách SKTT trường học, nâng cao năng lực cho cán bộ ngành SKTT…v.v.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành đã hỗ trợ thành công việc tổ chức buổi toạ đàm.