Truy cập nhanh:
[Tóm tắt] Tự chủ bệnh viện công lập: Cơ hội hay thách thức
Hội thảo mở đầu bằng chia sẻ về VCHPR và định hướng đối với chủ đề Tự chủ bệnh viện công lập. Dự kiến, chủ đề sẽ được thực hiện thành chuỗi nghiên cứu về các cấu phần tạo nên chính sách và đồng thời mong muốn là sự kết nối giữa các bệnh viện công lập để cùng tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi.
1. THAM LUẬN | BỐI CẢNH CHÍNH SÁCH TỰ CHỦ BỆNH VIỆN
THS. ĐOÀN THÙY DƯƠNG, VCHPR
Trải qua 30 năm xã hội hóa – tự chủ, kể từ chính sách đầu tiên thông qua Nghị quyết 04-NQ/HNTW (khóa VII – 1993) “chăm sóc sức khoẻ người dân là trách nhiệm của toàn xã hội” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngành y tế đã có những bước tiến vượt bậc trong tổ chức bộ máy thực thi và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân. Kết quả, các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý nhà nước, công bằng xã hội, nâng cao chuyên môn y tế đều được cải thiện và tiến đến các mục tiêu chất lượng cao hơn. Nghiên cứu bối cảnh chính sách tự chủ bệnh viện cũng cho thấy rằng, quá trình xã hội hóa, tự chủ là một quá trình tất yếu, đã xảy ra ở nhiều mô hình xã hội khác nhau,1 trong đó có môi trường y tế tại Việt Nam.

Chính sách tự chủ bệnh viện đã mang lại những thành quả lớn cho ngành y tế, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều khó khăn. Trong đó, mục tiêu lớn nhất của bệnh viện vẫn luôn là đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bệnh viện cần xác định rõ bảy chức năng của bệnh viện công (Quyết định 1895/ 1997/ QĐ-BYT) để không sa đà vào mục tiêu lợi nhuận, đi ngược lại với chủ trương vì người bệnh.
Hộp 1. Bảy chức năng của bệnh viện công – QĐ 1895/ 1997/ QĐ-BYT
- Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh
- Đào tạo cán bộ y tế
- Nghiên cứu khoa học về y học
- Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật
- Phòng bệnh
- Hợp tác quốc tế
- Quản lý kinh tế trong bệnh viện
Nguồn: VCHPR (2024)
2. THAM LUẬN | CHÍNH SÁCH TỰ CHỦ BỆNH VIỆN: CƠ HỘI HAY THÁCH THỨC
BS. TRẦN TRIÊU NGÕA HUYẾN, VCHPR
Thông qua khung phân tích quản trị công, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những cơ hội và thách thức tồn tại song song đối với cả ba trụ cột: chính sách, năng lực tự chủ bệnh viện và sự tham gia của các bên liên quan.
1) Các bên liên quan – Sự ủng hộ của các tổ chức, cơ quan, cá nhân
Hình 2. Biểu đồ sự quan tâm và sức ảnh hưởng của các bên liên quan đối với chinh sách tự chủ bệnh viện

2) Năng lực tự chủ của bệnh viện
Chuyên môn là yếu tố cần được xem xét và đẩy mạnh đầu tiên đối với năng lực của bệnh viện. Chính sách tự chủ bệnh viện đã góp phần khuyến khích các bệnh viện nâng cao chuyên môn, bằng chứng, các bệnh viện sử dụng nguồn lực xã hội hóa có khả năng: mở thêm chuyên khoa, bệnh viện vệ tinh; đầu tư mới cơ sở vật chất và cải thiện nhiều chất lượng trải nghiệm cho người bệnh. Nhưng với các bệnh viện không thể huy động được nguồn lực này, các vấn đề thiếu ngân sách hiện hữu cũng vô cùng khó giải quyết, có thể kể đến như: tình trạng nghỉ việc do không đảm bảo thu nhập cho NVYT; không đảm bảo chi phí đào tạo chuyên khoa; và phụ thuộc chuyên môn.
Đối với năng lực tổ chức thực hiện, đây là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao chất lượng quản lý nguồn lực, chất lượng, chi phí… đối với bệnh viện. Cụ thể, bệnh viện tiếp xúc gần hơn với khái niệm môi trình kinh tế Y tế, có quyền quảng bá, tiếp thị cho bệnh viện của mình; và thực hiện công tác xã hội hóa chủ động hơn. Quá trình này thúc đẩy các bệnh viện minh bạch hơn trong hoạt động và nâng cao trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, các khó khăn cũng trực chờ khi: các bệnh viện không có động cơ đảm bảo quyền lợi cho NVYT của mình; hoặc tổ chức thực hiện thay đổi không diễn ra do quán tính lớn do lịch sử phụ thuộc NSNN để lại.
Cuối cùng, năng lực quản lý tài chính là vấn đề được nhà nước và bệnh bệnh quan tâm nhất. Nếu như trước đây, công việc chỉ bao hàm kế toán tài chính là hạch toán, ghi sổ, theo dõi thu chi và lập báo cáo tài chính theo các nguyên tắc kế toán nhằm phản ánh thông tin trong quá khứ, thì nay lại đòi hỏi thêm nhiệm vụ kế toán quản trị. Cụ thể, bệnh viện cần xem xét phát triển các nhiệm vụ tài chính như: Cung cấp thông tin phục vụ cho việc điều hành quản lý ở hiện tại; Lập kế hoạch dự báo tình hình tài chính bệnh viện trong tương lai; Theo dõi thực tế so với kế hoạch, và; Phân tích hiệu quả hoạt động của từng bộ phận và cả bệnh viện.
3) Chính sách
Nghị định 60/ 2021/NĐ-CP đã trao quyền một cách mạnh mẽ để các bệnh viện công thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn đặc thù cho ngành y tế khi thực hiện Nghị định 60 này và có lộ trình cụ thể để các đơn vị y tế công lập thực hiện tự chủ. Điều cần thiết là cần đánh giá hiệu quả và tác động của việc thực hiện Nghị định 60 sau 3 năm thực hiện. Sự tương thích giữa Nghị định 60 với các văn bản pháp lý liên quan đến việc quản lý nhân sự, đấu thầu mua sắm, giá dịch vụ… cũng cần được nghiên cứu sâu thêm.
Việc thực thi tại các cơ sở (cụ thể là các bệnh viện) vẫn là một bài toán phức tạp, yêu cầu sự đồng hành, giải quyết liên ngành. Cuối cùng, các bệnh viện cũng cần xác định rõ mục tiêu vì người bệnh, tránh xác định vì lợi nhuận mà đưa tổ chức đi chệch hướng với chủ trương ban đầu.
“Tự chủ là dùng áp lực của thị trường để bệnh viện tăng hiệu quả hoạt động, tăng nguồn thu, giúp nâng cao đời sống nhân viên và tái đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cuối cùng, cũng là phục vụ bệnh nhân”
Trích phỏng vấn lãnh đạo bệnh viện
3. CHIA SẺ TỪ DIỄN GIẢ KHÁCH MỜI CHO KINH NGHIỆM THỰC THI TỰ CHỦ
TS.BS. Trần Viết Tiệp trong phần chia sẻ ngắn gọn của mình đã cho thấy việc xem chính sách vừa là cơ hội khi bệnh viện có thêm nguồn lực và thêm quyền hạn nhưng cũng có nhiều thách thức song song đó. Cơ hội đã được tận dụng khi bệnh viện có thêm nguồn lực hoạt động và mạnh dạn trao quyền cho đội ngũ đồng thời giao thêm trách nhiệm đã làm cho tinh thần làm và năng suất làm việc cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, thách thức vẫn còn đó như việc tuyển chọn nhân viên khó khăn, việc đầu tư, đấu thầu và giá dịch vụ cần thêm hướng dẫn cụ thể để các bệnh viện thực hiện tốt việc tự chủ.
TS.BS. Tiệp cho rằng trong chính sách tự chủ này, các bệnh viện cần phân biệt được mục đích của bệnh viện để đảm bảo thực hiện được các chức năng của bệnh viện là cung cấp dịch vụ chất lượng cho người bệnh với mục tiêu của bệnh viện trong việc cân đối các nguồn lực của bệnh viện để hoạt động, bao gồm nhân lực, vật lực và tài lực.
4. THẢO LUẬN
Chia sẻ tại hội thảo, các thính giả tham gia đặt câu hỏi sát sao với tình hình thực tế triển khai tại đơn vị. Việc chia sẻ những suy nghĩ này cũng giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra khó khăn và là động lực để tiến gần hơn đến việc đi sâu tìm hiểu các cấu phần hình thành tự chủ bệnh viện.
Tạm kết, nhằm giúp nâng cao năng lực tự chủ, từ tình hình thực tế thành công tại một số bệnh viện, một số khuyến nghị liên quan đến đơn vị thực thi được nhóm nghiên cứu và diễn giả khách mời đưa ra như sau:
- Bệnh viện cần đưa ra các chiến lược và lộ trình cụ thể trong ngắn, trung và dài hạn cho việc thực thi tự chủ. Việc tự chủ đòi hỏi tinh thần quyết tâm thực thi, sự thích nghi dần dần từ tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính và hoạt động chuyên môn.
- Về tổ chức bộ máy, cần tinh gọn để tối ưu năng xuất lao động và tiết kiệm chi phí. Nhất là trong giai đoạn bắt đầu tự chủ, nguồn thu giảm mạnh mà các khoản chi vẫn phải đảm bảo.
- Thông qua công cụ tài chính (lập quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp), bệnh viện có thể phân cấp quản lý (trao quyền) tới từng khoa. Giao các trưởng khoa tự cân đối tài chính của chính khoa của họ, thu ngân sách gắn với chi trả lương cho nhân viên trong khoa, gắn trách nhiệm tới các cấp nhỏ hơn theo hình thang, để tất cả các nhân viên đều tham gia tự chủ. Bằng cách đó, mỗi nhân viên đều nhận thức được việc làm và thành quả mà cá nhân tạo ra, có động lực để cố gắng vì cá nhân và tập thể.
- Về hoạt động chuyên môn, bệnh viện cần thực tế nhìn nhận thế mạnh chuyên môn của mình. Song song, xem xét các bệnh viện cùng tuyến xung quanh và bệnh viện tuyến trên trong địa bàn đang triển khai thế mạnh nào, bệnh viện mình có thể bổ trợ/cạnh tranh thế mạnh đó không. Cùng với đó, nhân viên y tế chủ động cải thiện chất lượng trải nghiệm cho bệnh nhân thông qua thái độ phục vụ, tiếp xúc và sự gần gũi. Có thấu hiểu bệnh nhân của mình, bệnh viện mới biết cần triển khai định hướng ra sao cho sát với nhu cầu địa phương và bệnh nhân mới tin tưởng quay lại sử dụng dịch vụ.
- Bệnh viện tuyến dưới cần tận dụng tốt khoảng cách địa lý/độ tiếp cận của người dân tại địa phương để truyền thông, cung cấp dịch vụ y tế.
Về khía cạnh quản lý nhà nước, một số khuyến nghị được đề xuất đối với sự đồng hành và quản lý như sau:
- Đối với giao tự chủ theo các nhóm Nghị định 60/2021/NĐ-CP, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm đưa ra các hướng dẫn, tiêu chuẩn trong phân nhóm. Áp dụng những hướng dẫn này, các bệnh viện từng bước đo lường được năng lực tự chủ của mình, đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý tránh các rủi ro liên quan đến giao nhiệm vụ thiếu thực tế, dẫn đến ảnh hưởng năng lực chuyên môn bệnh viện do mục tiêu quá cao/quá thấp.
- Thành lập nhóm chuyên gia cấp bộ nhằm đồng hành, kết nối các bệnh viện trong quá trình tự chủ. Kết nối các bệnh viện đã thực thi thành công ở các khía cạnh khác nhau để bổ trợ, cải tiến quy trình vận hành với nhau. Việc chia sẻ và kết nối hệ thống bệnh viện đến đúng nhóm giải pháp mà họ hướng đến sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực cho việc tự nghiên cứu, tìm tòi độc lập.
